Timothy Green. Mùa thu vàng có sắc phong chuyển đỏ. Và Levitan.

“Hạnh phúc chính là đến từ những điều giản dị nhất quanh mình. Một nơi sẽ chẳng là gì cho dù đó là thiên đường, nếu như nơi đó không có chỗ cho trái tim ngự trị..”

 

 

Tặng: Lục Mịnh

Tôi, một sáng thứ ba trời không được đẹp lắm, ban đầu vì ấn tượng một cái trailer, đã nhất quyết sau một buổi đêm không ngủ ở bệnh viện trở về, vẫn đi xem Timothy Green cho bằng được. Để rồi nhận ra một điều, chẳng cần phải là bom tấn, chẳng phải cần những điều cao xa như cứu thế giới khỏi hủy diệt, chỉ đơn giản là nó khiến bạn xúc động tận tâm can, nhận ra tình yêu đơn giản chỉ là như thế, và mùa thu vàng đơn giản chỉ là như thế..

Câu chuyện mùa thu đầy màu sắc của lá phong từ vàng dần hoá đỏ, vẫn là Walt Disney kể những câu chuyện đơn giản về hạnh phúc bình dị.

Mùi vị và cảnh sắc gợi nhớ đến bức tranh ” Mùa thu vàng” của Levitan. Câu chuyện dịu dàng như gió mùa thu, giống như có một ngày bạn đang tuyệt vọng, có người đột nhiên đến, để lại hy vọng để bạn mạnh mẽ bước tiếp. Thu vàng theo những chiếc lá mọc trên chân của Timothy. Chúng rụng dần, và mỗi chiếc là dành cho một người cậu bé yêu quý. Và cậu đã để lại cho “ba mẹ” mình cũng như một đứa trẻ mồ côi khác được nhận làm con nuôi giá trị của tình yêu..

Cả bộ phim khiến người ta cười, cười mãi về những hạnh phúc rất ngây ngô của hai con người đột nhiên được hưởng niềm hạnh phúc làm ba mẹ, niềm tự hào rất đỗi con trẻ của họ rằng “con tôi đấy”, cho đến khi cuối cùng, lại khiến người ta lặng đi mà rơi nước mắt.. Cậu bé Timothy đã ra đi theo sắc xanh của lá, nhưng những chiếc lá cậu để lại đây đó, trên chiếc áo của ông cậu Bub, hai chiếc bông tai bằng lá của Jiny, trên lá thư để lại cho ba mẹ, trên chiếc cúp của huấn luyện viên trên trường .. Đâu đó vẫn nhắc lại cho người ta nhớ, đã từng có một cậu bé Timothy xuất hiện mang lại nụ cười cho họ, không chỉ là một ảo ảnh mà thôi, rằng cậu đã từng thực sự hiện hữu ..

Ngẫm ra rồi lại miên man nghĩ đến một mùa thu, tôi vẫn thích một mùa thu lá rụng ào ạt theo mỗi bước chân đi, theo những cơn gió là tóc người qua phủ đầy lá nhỏ, đưa tay lên đầu lại tiếc hoài chẳng nỡ .. Nhưng đó là một mùa thu quen thuộc nơi xứ Bắc, trong lòng vẫn không nguôi một niềm khao khát được nhìn thấy một mùa thu rợp sắc lá phong vàng bên hồ nước, từng ngày từng ngày dần qua theo biến chuyển của thời gian mà chuyển dần sang đỏ. Vẫn chờ đợi có một ngày, người trở về sẽ đưa chúng tôi đi cùng nhau qua hết những tháng năm còn lại, qua những mùa thu vàng còn lại.

Vì Timothy gợi tôi nghĩ đến một Mùa thu vàng. Nhắc đến mùa thu vàng, lại chỉ nhớ đến Levitan.

Nhớ đến Levitan, lòng chợt dâng trào chút thôi thúc muốn tìm đọc lại một chút, lưu lại một chút, cho riêng mình.

Cái thế giới quen thuộc hiện lên trên nền vải, nhưng trong nó vẫn có một cái gì rất riêng mà những danh từ nghèo nàn của con người không diễn đạt nổi. Những bức tranh của Levitan gợi lên trong con người cái đau như là những hồi ức về những ngày xa lắc xa lơ nhưng bao giờ cũng vẫn cứ làm ta mê mẩn.

Lêvitan là họa sĩ của phong cảnh buồn

Phong cảnh bao giờ cũng buồn khi con người buồn. Nền văn học và hội hoạ Nga đã nói đến trong hàng thế kỷ những bầu trời đáng ngán, những cánh đồng xơ xác, những mái nhà tranh đen đủi, những bài ca ngân trong gió đối với ta khác nào những giọt lệ của mối tình đầu.

Ngay từ khi còn ở trường Levitan đã bộc lộ thiên hướng về tranh phong cảnh và phần lớn các tác phẩm sau này của họa sĩ đều tập trung vào đề tài phong cảnh nông thôn hoặc thiên nhiên nước Nga. Những tác phẩm theo trường phái hiện thực của Levitan nổi tiếng với khả năng miêu tả chân thực vẻ đẹp của thiên nhiên Nga, đồng thời cũng truyền vào đó cảm xúc và tinh thần của tác giả. Có thể kể tới các bức tranh Mùa thu vàng miêu tả mùa thu ở vùng nông thôn Nga với sắc vàng chủ đạo, bức Rừng bạch dương vẽ lại những cánh rừng bạch dương Nga vào mùa xuân với sắc xanh chủ đạo hay bức Cái yên tĩnh vĩnh hằng miêu tả thiên nhiên hùng vĩ nhìn từ một nhà nguyện nhỏ bé nằm giữa một con sông nước Nga. Levitan là người vẽ trời rất đẹp, người ta đã ví Levitan vẽ trời đẹp như là Claude Monet vẽ nước.

Năm 1897, Levitan được bầu vào Viện hàn lâm nghệ thuật Nga và năm 1898 ông trở thành người phụ trách xưởng tranh phong cảnh tại trường học cũ của mình. Tuy nhiên càng về sau, sức khỏe của Levitan càng yếu, ông thường xuyên bị viêm phổi và suy sụp về tinh thần. Vì vậy họa sĩ thường dưỡng bệnh tại gia đình của người bạn Chekhov ở Crimea. Tại đây đã có lần Levitan dùng súng tự tử nhưng không chết. Tuy nhiên, Levitan chưa bao giờ truyền tâm trạng u tối của mình vào trong các bức tranh, hầu hết các bức tranh của Levitan, kể cả bức cuối cùng Hồ (hay Tổ quốc) đều mang màu sắc tươi tắn và miêu tả tuyệt vời vẻ đẹp của thiên nhiên nước Nga. Chưa kịp hoàn thành tác phẩm Hồ thì Levitan qua đời ngày 4 tháng 8 năm 1900 khi mới 40 tuổi.

Levitan và mùa thu

Sau này Lêvitan nhớ lại mùa hè ở Xantưkôpka như một mùa hè khó khăn nhất trong đời. Trời nóng hầm hập. Hầu như ngày nào dông bão cũng phủ kín trời, sấm nổ rền, cỏ dại dưới cửa sổ xào xạc trong gió, nhưng không có lấy một giọt mưa rơi. Những khi trời chập choạng tối mới đặc biệt khó chịu. Ở trên ban công bên biệt thự hàng xóm, người ta đốt đèn. Những con bướm đêm kéo đến như những đám mây, đập mình vào kính đen. Trong sân quần bóng đập chan chát. Các cậu học trò trung học và các cô gái đùa cợt, cãi vã cho đến hết ván, và rồi tới khuya một giọng nữ hát ngoài vướn một bản tình ca buồn rượi.

Giọng em đối với anh vừa âu yếm vừa uể oải…

Lúc đó là lúc những bài thơ của Pôlônxki, Maikốp và Apukhơtin còn nổi tiếng hơn là những âm điệu giản dị của Puskin, đến nỗi Levitan cũng chẳng biết lời bản tình ca là của Puskin. Tối tối, từ bên này hàng rào chàng nghe giọng hát của thiếu phụ không quen biết, chàng nhớ thêm một bản tình ca nữa, bài hát nói về chuyện “tình yêu nức nở” như thế nào. Chàng muốn được thấy thiếu phụ, người có giọng hát sao mà buồn và thánh thót, muốn được thấy các cô gái chơi quần vợt và các cậu học trò trung học vẫn thường dồn những quả bóng gỗ đến tận nền đường sắt với tiếng reo hò chiến thắng. Chàng muốn được uống trà trong những ly sạch trên ban công, lấy chiếc thìa con động vào lát chanh, đợi một lúc lâu cho mứt mơ từ cái thìa con ấy chảy xuống thành một sợi chỉ trong suốt. Chàng muốn cười phá lên và cợt nhả, chơi trò “Cháy đi”, hát cho tới nửa đêm, chạy thật nhạnh với những bước khổng lồ và nghe tiếng thì thào cảm động của những cậu học trò trung học về nhà văn Garsin, người viết truyện ngắn Bốn ngày bị sở kiểm duyệt cấm. Chàng muốn được nhìn vào đôi mắt của thiếu phụ đang hát nọ : Mắt của những người đang hát bao giờ cũng chỉ hé mở và trành ngập nỗi buồn tuyệt đẹp.

Nhưng Levitan, nghèo, chàng gần như một người hành khất. Chiếc áo vét tông kẻ ô vuông cuối cùng đã rách tan. Chàng đã lớn vượt ra ngoài chiếc áo đó. Đôi tay lem nhem sơn dầu thò ra ngaòi ống tay áo như chân một con chim. Suốt mùa hè Lêvitan đi đất. Trong bộ y phục như thế làm sao chàng có thể đến trước mặt những người vui tươi đi nghỉ ở biệt thự kia được.

Và Levitan lẩn tránh. chàng lấy một chiếc thuyền và ra bãi sậy trên hồ làm phác thảo: Trên thuyền không ai ngăn trở chàng. Vẽ phác thảo trong rừng hoặc trên những cánh đồng thì nguy hiểm hơn. Ở đó chàng có thể chạm trán với chiếc dù màu tươi của một bà quý phái đang đọc tác phẩm của Anbốp trong bóng bạch dương hoặc một bà gia sư đang cục ta cục tác đưa lũ trẻ đi dạo.

Mà không ai có tài khinh khi sự nghèo túng bằng các bà gia sư. Levitan trốn những người đi nghỉ mát, nhớ thiếu phụ hát đêm và vẽ phác thảo. Chàng quên bẵng mất rằng ở trường chuyên nghiệp hội hoạ và điêu khắc, Xavraxop đã tiên đoán cho chàng danh tiếng của Côro, còn các bạn chàng – anh em Kôrôvin và Nicôlai Tsêkhôp – lần nào xem tranh chàng cũng cãi vã về cái đẹp của phong cảnh thực sự ở nước Nga. Cái danh tiếng tương lai của Côro ấy chìm nghỉm trong những cơn hờn giận cuộc đời, đôi khuỷu tay áo rách và những đế giày vẹt gót.

Levitan cố vẽ sao cho trong tranh của chàng có thể cảm thấy được không khí đang lấy cái trong vắt của nó mà ôm ấp từng ngọn cỏ, từng chiếc lá và từng đống cỏ khô. Mọi vật chung quanh hình như bị ngập trong một cái gì bình thản, lấp lánh và xanh biếc. Levitan gọi cái gì đó là không khí. Nhưng đó không phải là cái không khí mà chúng ta thấy. Chúng ta thở hít nó, chúng ta cảm thấy hương của nó, cái lạnh hay ấm của nó. Còn Levitan thì cảm thấy không khí là một môi trường vô tận của thứ vật chất trong suốt, nó mang tới cho những bức tranh của chàng chất dịu mát làm ta phải mê say.

Mùa hè hết. Giọng hát của thiếu phụ không quen biết vắng dần. Một hôm, vào lúc chiều tối, Levitan gặp ở cổng nhà mình một thiếu phụ trẻ. Đôi tay nhỏ nhắn của nàng trắng lên dưới lần ren đen ở cổ tay. Mây đen mềm mại phủ khí trời. Mưa lác đác. Ở các mảnh vườn con trước cửa, hoa xông lên mùi đắng. Các mũi tên hiệu đường sắt đã lên đèn

Thiếu phụ không quen biết đứng ở cửa và cố giương chiếc ô nhỏ nhưng không sao mở được. Cuối cùng, chiếc ô xoè ra và mưa bắt đầu reo trên mặt lụa. Thiếu phụ chậm chậm bước đi ra ga. Levitan không nhìn thấy mặt nàng, chiếc ô che khuất. Nàng cũng không nhìn thấy mặt Levitan mà chỉ thấy đôi chân không giày bẩn thỉu của chàng và nhấc ô lên để khỏi vướng vào chàng. Trong ánh sáng mờ mờ chàng nhìn thấy một khuôn mặt nhợt nhạt. Chàng cảm thấy khuôn mặt ấy quen quen và xinh đẹp.

Levitan trở về căn phòng nhỏ của chàng và nằm xuống. Ngọn nến bốc khói, mưa rú rít, những người say rượu nức nở ngoài ga. Nỗi buồn nhớ tình yêu của mẹ, của chị, của đàn bà đã bước vào tim chàng từ đó và không rời bỏ chàng cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời chàng.

Đúng vào mùa thu năm ấy, Levitan vẽ bức Một ngày thu ở Xôkônniki. Đó là bức tranh đầu tiên của chàng trong đó mùa thu xám và vàng, buồn như cuộc sống nước Nga thời bấy giờ, như cuộc sống của bản thân Levitan, thở hơi ấm nhẹ nhàng từ nền vải làm người xem đau nhói nơi tim.

Trên con đường nhỏ trong công viên Xôkônniki một thiếu phụ trẻ mặc đồ đen đi trên những đám lá rụng – thiếu phụ mà giọng hát của nàng Levitan không thể nào quên. “Giọng em đối với anh vừa âu yếm vừa uể oải…”, nàng đi một mình giữa rừng thu, và cái cô độc ấy vây lấy nàng bằng một cảm xúc buồn rầu và tư lự.

Một ngày thu ở Xôkônniki  là bức phong cảnh duy nhất của Levitan trong đó có người, mà cũng lại là do Nikôlai Tsêkhôp vẽ thêm vào. Sau đó, trong tranh của Levitan không bao giờ có người nữa. Người đã được thay thế bằng những khu rừng, những đồng cỏ, những dòng nước lũ mù sương và những túp lều nghèo đói của nước Nga, những túp lều câm lặng và cô độc như con người câm lặng và cô độc thời bấy giờ.

10 thoughts on “Timothy Green. Mùa thu vàng có sắc phong chuyển đỏ. Và Levitan.

Nhắn gửi...